

ttytcaosudautieng@gmail.com
1. Bệnh Zona là gì?
Bệnh Zona, dân gian còn gọi là bệnh giời leo do Virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Nếu một người nhiễm virus này lần đầu sẽ mắc bệnh Thủy đậu. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, virus vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể. Khi gặp các yếu tố thuận lợi (như tuổi cao, hệ miễn dịch suy yếu…) virus sẽ tái hoạt động và gây bệnh Zona.
Bệnh Zona có các biểu hiện như phát ban, nổi mụn nước trên da khiến người bệnh đau, ngứa và rát. Đau do Zona là một triệu chứng phổ biến, không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người trên 50 tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm do bệnh lý như: ung thư, ghép tạng, bệnh tự miễn, HIV/AIDS có nguy cơ cao mắc Zona và các biến chứng của bệnh.
2. Bệnh Zona có lây không?
Bệnh Zona không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, người bệnh Zona có thể truyền Virus Zaricella Zoster (VZV) cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các hạt virus từ mụn nước. Khi bị nhiễm virus lần đầu, người bệnh sẽ mắc Thủy đậu thay vì bệnh Zona.
3. Yếu tố nguy cơ của bệnh Zona.
Bất kỳ ai từng mắc Thủy đậu đều có nguy cơ phát triển thành bệnh Zona.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tái kích hoạt Varicella Zoster Virus (VZV) liên quan đến tuổi tác và khả năng miễn dịch suy giảm, bao gồm:
- Người lớn trên 50 tuổi;
- Ung thư, đặc biệt là ung thư bạch cầu và ung thư hạch;
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bao gồm steroid để điều trị đau khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tự miễn (lupus ban đỏ)…
- Người nhận ghép tạng;
- HIV/AIDS;
- Đã bị Zona trước đó.
4. Bệnh Zona có các dấu hiệu và triệu chứng gì?
Triệu chứng Zona bao gồm: phát ban, có thể gây đau, thường châm chích dưới da. Ban da thường phát triển ở một bên, vùng ngực hoặc ở mặt. Phát ban bao gồm các mụn nước thường đóng vảy sau 7 đến 10 ngày và hết trong vòng 2 đến 4 tuần.
* Dấu hiệu sớm của Zona:
Người bệnh có thể bị đau hoặc châm chích dưới da. Đây là vùng da sẽ nổi ban da sau này. Điều này có thể xảy ra vài ngày trước khi phát ban xuất hiện. Có thể bị sốt trước khi phát ban xuất hiện.
* Triệu chứng Zona thường gặp nhất:
- Nóng rát và đau: Cảm giác ngứa, đau hoặc nóng rát là biểu hiện đặc trưng và thường xảy ra trước khi phát ban xuất hiện. Người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc dây thần kinh nửa bên người. Sau đó xuất hiện cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, phát ban và đau dữ dội. Tuy nhiên, trước khi có triệu chứng nóng rát và đau thì người bệnh sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau nhức (triệu chứng của nhiễm siêu vi).
- Mụn nước, bọng nước có chứa dịch trong: Phát ban nổi lên xuất hiện dưới dạng mụn nước mọc thành chùm, phân bố theo đường đi của dây thần kinh (dạng dải) hoặc mảng lớn. Trong vòng 3 đến 4 ngày, các mụn nước liên kết lại thành bọng nước, chứa nhiều dịch, bọng nước căng và gây đau. Một thời gian sau bọng nước xẹp, có thể vỡ nếu va chạm, một số trường hợp để lại sẹo.
- Sưng đau các vùng lân cận và nổi hạch: Bệnh Zona thần kinh thường xuất hiện ở một bên cơ thể như: một bên eo, một bên mặt, cổ hoặc thân mình với cảm giác đau nhẹ đến dữ dội ở vùng da bị ảnh hưởng. Nếu ở cổ, vai có thể lan đến các khu vực lân cận như cánh tay, cẳng tay, bàn tay, hoặc nếu ở mông thì có thể lan xuống đùi, cẳng chân và gót chân. Nổi hạch ở cổ, nách, bẹn… tương ứng với vị trí phát ban Zona.
* Ngoài các dấu hiệu trên bệnh Zona thần kinh có các biểu hiện khác như:
- Sốt;
- Ớn lạnh;
- Đau đầu;
- Mệt mỏi;
- Nhạy cảm với ánh sáng.
5. Bệnh Zona có nguy hiểm không?
Zona có thể gây các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh trong tương lai.
Đau thần kinh sau Zona (PHN) là biến chứng phổ biến nhất:
- Đau thần kinh sau Zona là tình trạng đau dai dẳng ở vùng da từng phát ban và có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi hết phát ban.
- Đau thần kinh sau Zona thường cực kỳ đau đớn, làm người bệnh không ngủ được, căng thẳng tâm lý… Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày.
- Người lớn tuổi mắc bệnh Zona có nhiều khả năng phát triển đau thần kinh sau Zona hơn và bị đau kéo dài và dữ dội hơn so với người trẻ tuổi mắc bệnh Zona.
6. Các biến chứng của Zona.
Zona thần kinh có thể gây ra những biến chứng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh, như:
- Đau dây thần kinh sau Zona: Biến chứng này xuất hiện ở khoảng 10% đến 18% người bị bệnh, phổ biến ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi), hiếm gặp ở người dưới 40 tuổi. Các triệu chứng bệnh Zona thường biến mất khi hết phát ban. Nhưng với biến chứng đau dây thần kinh sau Zona (PHN), khi phát ban đã lành người bệnh vẫn có thể cảm thấy đau, rát trong nhiều năm sau đó, các cơn đau có thể giật từng cơn làm người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Suy giảm thị lực, mất thị lực: Zona thần kinh xuất hiện trên mặt khá phổ biến, chiếm tới 20% trong tất cả các trường hợp bệnh Zona, bởi đây là bộ phận quan trọng, nhạy cảm bởi tập trung nhiều dây thần kinh mắt có nguy cơ gây biến chứng cao. Virus có thể gây tổn thương mắt và giác mạc nghiêm trọng: sưng mí mắt, tăng nhãn áp, viêm và sẹo giác mạc, suy giảm thị lực, mất thị lực. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Zona thần kinh ở mắt nên tham khảo ý kiến Bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức để được can thiệp và điều trị chuyên khoa kịp thời.
- Ngứa, châm chích (rối loạn cảm giác da): Các biến chứng khác hậu Zona thần kinh còn bao gồm ngứa ran, châm chích, rối loạn cảm giác da khiến người bệnh ngứa nhiều và gãi vùng da bị sẹo Zona, điều đó có thể dẫn đến trầy da, gây bội nhiễm vi khuẩn và làm bệnh trở nặng hơn.
- Hội chứng Ramsay Hunt: Đây là biến chứng nặng của bệnh Zona thần kinh khi người bệnh bị liệt dây thần kinh mặt ngoại biên. Các bọng nước, ban đỏ trong trường hợp này có thể xuất hiện ở cả miệng dẫn tới tai khiến người bệnh đau tai trầm trọng, tê liệt mặt, mất thính giác… Trong trường hợp này, người bệnh cần được điều trị tích cực và phòng ngừa tránh gây ra tổn thương vĩnh viễn cho các cơ quan khác.
- Các biến chứng khác: Zona thần kinh còn có thể gây những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng nếu chúng xâm nhập và gây hại ở các cơ quan khác như: viêm màng não, viêm não, viêm phổi, viêm gan,… đây đều là biến chứng nặng cấp tính cần điều trị khẩn cấp.
7. Phòng ngừa bệnh Zona.
Để phòng ngừa bệnh Zona thần kinh, cần có một chiến lược hiệu quả kết hợp giữa tiêm phòng, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và chú ý đến các yếu tố nguy cơ.
Cụ thể:
- Nhận diện sớm các yếu tố nguy cơ có thể giúp phòng ngừa bệnh Zona một cách chủ động hơn. Stress, bệnh mãn tính như tiểu đường hay bệnh tự miễn và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch là những yếu tố có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho virus tái kích hoạt. Do đó, việc kiểm soát tốt các yếu tố này thông qua quản lý sức khỏe tổng quát là vô cùng cần thiết, bao gồm:
+ Hạn chế tiếp xúc gần với người bị nhiễm Zona thần kinh, đặc biệt là trong giai đoạn cơ thể bắt đầu xuất hiện mụn nước;
+ Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý;
+ Tránh stress, căng thẳng kéo dài;
+ Rèn luyện thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng;
+ Nếu xuất hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào, cần thăm khám Bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
- Tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh Thủy đậu để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Thủy đậu, hạn chế tiến triển Zona thần kinh trong tương lai. Đồng thời, tiêm vắc xin là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất hiện nay cho bệnh Zona thần kinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) khuyến cáo nên tiêm phòng cho những người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc Zona thần kinh (người suy giảm miễn dịch, ức chế hoặc có khả năng ức chế miễn dịch… do bệnh hoặc thuốc đang điều trị).
- Vắc xin Shingrix là lựa chọn được ưu tiên nhờ hiệu quả cao đến 97% trong việc phòng ngừa không chỉ bệnh Zona mà còn ngăn chặn hiệu quả đến 88% biến chứng đau dây thần kinh sau Zona. Vắc xin có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch đối phó hiệu quả với virus nếu nó tái hoạt động ở người sau khi đã khỏi bệnh Thủy đậu.
Hiện nay tại Bệnh viên đa khoa Cao su Dầu Tiếng đã có 2 loại vắc xin phòng bệnh Zona thần kinh và bệnh Thủy đậu, gồm Shingrix (Bỉ) ngừa bệnh Zona thần kinh và Varilrix (Bỉ) ngừa bệnh Thủy đậu. Hai loại vắc xin trên đều đã được kiểm định an toàn, khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. Vắc xin ngừa bệnh Zona thần kinh (Shingrix) có tác dụng bảo vệ lâu dài, có thể kéo dài đến 7 năm hoặc hơn ở người lớn tuổi không bị suy giảm miễn dịch. Vắc xin này được khuyến cáo không cần tiêm nhắc lại sau khi tiêm đủ liều.
Tóm lại, tuy Zona thần kinh là bệnh lý biểu hiện với các triệu chứng ngoài da nhưng gốc rễ gây bệnh lại nằm sâu trong hệ thống thần kinh, gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến chất lượng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, nếu phát hiện các dấu hiệu của bệnh, cần đến Bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt, tránh dẫn đến các biến chứng.
Người viết bài: BSCK1. Nguyễn Hữu Danh